Cuộc thi tuyên truyền giới thiệu sách trực tuyến tỉnh Nghệ An 2023
- 09/11/2023
- 169
Thí sinh dự thi: Nguyễn Linh Đan, lớp 7A
Địa chỉ: Trường THCS Hồ Xuân Hương,
huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An
Chủ đề cuộc thi: “Việt Nam - Đất nước, con
người”.
Tác phẩm Video dự thi: QUÊ NỘI - Võ Quảng
Mình tên là Nguyễn Linh Đan đến từ trường THCS Hồ Xuân Hương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
“Đọc một cuốn sách - Đi muôn dặm đường”. Đó là câu nói đã truyền cảm hứng
cho mình về việc đọc sách mỗi ngày. Khi chúng ta đọc cuốn sách hay sẽ giúp ta
có thêm những bài học ý nghĩa, được phiêu lưu tới những vùng đất mới, được lắng
nghe mỗi câu chuyện qua từng nhân vật.
Sách như là bể đỡ cho ta về mặt tri thức cũng như tinh thần; là thứ
giúp chúng ta đứng vững trước dâu bể cuộc đời. Trong bản trường ca vô tận của
thời gian, những trang sách vẫn luôn đồng hành và gắn bó thân thiết với chúng
ta đặc biệt với lứa tuổi học sinh THCS.
Ngày hôm nay, để lan tỏa hơn nữa niềm đam mê đọc sách đến các bạn học
sinh, mình xin giới thiệu một cuốn sách mang tên “ Quê Nội” của nhà văn Võ Quảng.
Quê nội - một tác phẩm mang đậm phong vị đất và người
xứ Quảng. Đồng hành cùng trang văn kỳ diệu của Võ Quảng chúng ta như được nhấc
bổng và mang tâm hồn tuổi thơ của mình vượt qua đồng rộng, sông dài đến với bao
miền quê xứ Quảng kỳ thú, được trải nghiệm trên dòng sông Thu Bồn, được dạo chợ
Quảng Huế với bánh đúc, bánh xèo, bánh nậm, được chống sào vượt thác cùng dượng
Hương Thư lên Dùi Chiêng, Tí, Sé nghe chuyện săn voi, săn hổ. Được soi tuổi thơ
của mình vào các nhân vật Cục, Cù Lao với đầu trần chân đất, cưỡi con trâu Bĩnh
và bày ra trăm thứ trò chơi nghịch ngợm.
Với thiên truyện đầy ắp tình yêu quê hương của nhà văn xứ Quảng, chúng
ta càng hiểu thêm cái sâu sắc của hiện thực rộng lớn mà ông miêu tả, những ngụ
ý mà ông gửi gắm. Và chúng ta càng ngộ ra rằng, Võ Quảng đã hòa quyện một cách
tuyệt diệu giữa hai mảng: Quê hương và cách mạng.
Không gian văn học của tập truyện “Quê nội” đã dẫn dắt người đọc đến với
làng Hòa Phước, nằm ven sông Thu Bồn bắt đầu từ những ngày Cách mạng tháng Tám
long trời lở đất. Qua hai nhân vật Cục và Cù Lao, Võ Quảng đã vẽ nên một bức
tranh đặc sắc về bước thay đổi của làng quê Quảng Nam sau đêm dài nô lệ. Ở đó
có những phận người “đang rỉ ra, đang mục đi” như bà Hiến cả đời ở đợ, ông Bốn
Rị chuyên bán thịt chó đã được cách mạng trả lại vị thế làm người. Và trên nền
của làng quê ấy, tác giả cũng đã khắc họa một lớp người đang hăm hở theo cách mạng,
như anh Bốn Linh, chú Năm Mùi, chị Ba, anh Bảy Hoành, một vai việc nhà, một vai
việc nước, mà trong lòng phơi phới.
Tất cả họ hòa vào cách mạng với lòng nhiệt tình và bằng cả niềm tin.
Qua nhân vật Cục và chị Ba, ta có thể thấy rõ niềm tin trong trẻo ấy: “Cũng chỉ ngày mai ngày kia thôi, ruộng đất
sẽ về tay nông dân, nhà máy, hầm mỏ về tay công nhân. Nhà ta khỏi ăn cơm gạo bắp,
chị Ba ăn cái gì chị Ba thích, cần xài bao nhiêu cũng được, ăn tiêu tùy cần,
làm việc tùy sức”. Hay như việc Cục và Cù Lao tin rằng một ngày kia tàu bay
của Liên Xô chở xi măng, sắt thép qua làng Hòa Phước rồi sẽ có nhà cao tầng mọc
lên như thành phố.
Quả thực nếu không có sự am hiểu sâu sắc, sự quan sát tinh tế, và lòng
yêu quê hương sâu nặng thì khó có thể miêu tả cuộc sống của người dân xứ Quảng
sinh động đến vậy. Dưới ngòi bút của Võ Quảng ông đã mang đến cho người đọc hồi
tưởng lại những hoạt động mãi mãi đi vào dĩ vãng như cảnh chống ghe, lèo lái bè
gỗ trên quãng sông đầy ghềnh thác ở thượng nguồn sông Thu Bồn, hay như cảnh đào
dâu, kéo che ép mía, nấu đường.
Với ngôn ngữ hiện đại, giản dị của "Quê nội"
đã đủ sức hấp dẫn trẻ nhỏ, đã kéo chúng đi khắp miền quê Hòa Phước nơi có Ngũ
Hành Sơn, có sông Thu Bồn. Bằng không gian nghệ thuật phong phú trong "Quê
nội" chắc hẳn thỏa mãn trí tưởng tượng của bạn đọc nhỏ tuổi. Tác phẩm của
Võ Quảng như một người bạn - người thầy vừa dịu dàng mà sâu sắc, giúp trẻ em
thêm hiểu, thêm yêu quê hương đất nước này. Đọc "Quê nội", nhớ Võ Quảng
một cây bút đã đau đáu, lặng lẽ tạo dựng nên một nền văn học thiếu nhi và bồi đắp
cho những tâm hồn trẻ thơ “Những không
gian nhà bê tông chật chội ở thành phố hôm nay sẽ bị phá vỡ, rộng mở cho trí tưởng
tượng, tầm hiểu biết của trẻ em vươn xa”.
Thông qua tác phẩm Quê nội, tác giả nhìn nhận một cách tinh tế về con
người xứ Quảng; từ cử chỉ, hành động, lời ăn tiếng nói, những tình huống rất dí
dỏm, Võ Quảng đã khắc họa nó qua từng nhân vật rất điển hình, phản ánh sinh động
tính cách của những con người đang tập làm chủ xã hội và làm chủ số phận của
mình. Mà đó là những con người rất “Quảng Nôm” - từ cách đi đứng, nói năng, cảm
nghĩ. Họ cứ như từ cuộc sống bình dị quanh ta đi thẳng vào trang sách của nhà
văn Võ Quảng, mà không cần phải dụng công nhào nặn hay gọt giũa. Ấy vậy nên,
qua những trang viết của ông như nhắc nhở chúng ta rằng hãy để tâm, hãy biết
cách nhìn những con người tưởng chừng đơn điệu như bà Hiến, ông Bốn Rị để nhận
ra cái hay, cái đẹp trong tâm hồn của họ.
Là một trong số các nhà văn dành trọn tâm huyết sáng tác cho thiếu nhi,
qua ”Văn chương nghệ thuật nhà văn Võ Quảng
đã đánh thức trong các em tình cảm cao đẹp, làm cho các em biết tôn trọng, yêu
thương, thấy những nghĩa vụ cần làm, sống có tinh thần nhân ái, biết sống một
cách tốt đẹp”.
Vâng, chẳng biết từ khi nào mà hai tiếng “Quê hương”
đã đi sâu vào tiềm thức và trong trái tim của mỗi chúng ta như một lẽ tự nhiên
vốn có. Phải chăng sự đánh thức tâm hồn ấy bắt nguồn từ câu hát ru nhẹ nhàng của
bà, của mẹ, hay từ chính những trang sách mang bóng dáng tuổi thơ. “Quê nội” là
một truyện ngắn như thế, sinh động mà cũng thật gần gũi, tha thiết. Võ Quảng -
nhà văn nổi tiếng cùng những sáng tác cho thiếu nhi đã gửi vào tác phẩm kí ức đẹp
về thời thơ ấu, quê hương và Cách mạng một cách đầy hấp dẫn và thú vị. Những
trang văn của Võ Quảng đã đi cùng chúng ta lớn lên. Có thể nói, Võ Quảng như một
họa sĩ tài ba đã quan sát và chắt lọc những nét đẹp tiêu biểu của vạn vật để
dâng tặng thiếu nhi và dạy cho chúng ta những bài học làm người sâu sắc. Đó
chính là hoa thơm, trái ngọt từ trái tim nhân hậu, chan chứa tình yêu thương của
Võ Quảng để từ đó nâng đôi cánh ước mơ, tiếp thêm nghị lực cho bao thế hệ thiếu
nhi Việt Nam.
Mình muốn nhắn nhủ đến các bạn đọc rằng: Quê
hương, đất nước là nguồn cội, là nơi nuôi dưỡng ta nên người. Ở đó chứa biết bao kỷ niệm của tuổi thơ, nụ cười, nơi đây còn cho ta biết về cái gốc gác của mình. Mình mong
rằng chúng ta hãy trở thành những người con yêu quê hương, đất nước; cố gắng ra sức học tập,
rèn lyện để phát triển và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng trở nên tươi đẹp, phồn thịnh hơn. Và dù cho có đi đâu về đâu thì trong mỗi con
người chúng ta luôn hướng về nguồn cội của bản thân.
Mình mong rằng các bạn học sinh chúng ta có thể tạo cho mình một niềm đam mê đọc sách. Bởi lẽ, sách là kho tàng tri thức của
nhân loại nó đưa ta cập đến bến bờ thành
công trong cuộc đời. Các bạn hãy đồng hành, chia sẻ cho mình một lượt like nhé!
- Vebraryhoxuanhuong